CÂU CHUYỆN SẢN PHẨM DƯA LEO TUẤN ANH

Huyện Thọ Xuân nằm về phía Tây bắc thành phố Thanh Hóa, phía Bắc và Tây Bắc giáp với huyện Ngọc Lặc một phần huyện Cẩm Thủy, phía Nam giáp với huyện Triệu Sơn, phía Tây giáp với huyện Thường Xuân, phía Đông giáp với huyện Yên Định. Thọ Xuân có địa hình đất đai rộng, bằng phẳng gắn kết với sông ngòi là điều kiện thuận lợi cho phát triển vùng nông nghiệp. Bởi vậy nơi đây có rất nhiều những sản phẩm về nông nghiệp nổi tiếng như: Bưởi Luận Văn, Dưa vàng Kim Hoàng Hâu… Là vùng đất được được thiên nhiên ban tặng có đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào, thuận lợi cho người dân canh tác, sản xuất nông nghiệp.

Sau bao năm buôn ba khắp nơi, làm thuê đủ mọi nghề, anh Tuấn Anh một người con của xã Trường Xuân thuộc huyện Thọ Xuân, đã lựa chọn quay về quê hương bắt đầu lập nghiệp. Đầu những năm 2007 anh bắt đầu bắt tay vào nghề thu mua dưa chuột của bà con nông dân trong huyện để bán lại cho các đại lý khác lấy lời. Nhận thấy được tiềm năng phát triển của cây dưa chuột cộng với quỹ đất của gia đình hiện có. Anh Tuấn bắt đầu học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây dưa chuột nếp ta. Khi mới đầu trồng anh gặp không ít khó khăn, vì trồng theo phương pháp thủ công, ngoài trời nên bị côn trùng, sâu bệnh cắn phá dẫn đến năng suất không được cao. Trải qua quá trình học hỏi từ những người dân đi trước, mọi khó khăn dần được anh khắc phục. Từ đó anh vận động người dân trong xã thành lập lên Hợp tác xã sản xuất lấy tên là Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp & dưa leo Thọ Xuân. Chuyên canh tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa leo trên địa bàn huyện Thọ Xuân.

Sau hơn 15 năm gắn bó với nghề trồng dưa chuột đến nay anh Tuấn Anh cùng các thành viên trong Hợp tác xã đã cùng nhau xây dựng được thương hiệu riêng của mình. Sản phẩm Dưa leo Tuấn Anh ra thị trường được rất nhiều khách hàng tin tưởng sử dụng. Với phương pháp trồng và chăm sóc theo hướng an toàn, tất cả các  thành viên và người lao động trong Hợp tác xã thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dưa, nhằm nâng cao kiến thức trong sản xuất. Năm 2022 Hợp tác xã của anh đã được cấp giấy chứng nhận Việt GAP (thực hành nông nghiệp tốt), từ đó khách hàng ngày càng tin tưởng và sử dụng sản phẩm dưa leo nhiều hơn. Anh Tuấn Anh cho biết để cho cây dưa phát triển tốt nhất thì quan trọng nhất là chọn đươc giống tốt. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, Hợp tác xã của anh Tuấn Anh đã tự để lại giống từ các vụ trước để trồng cho vụ sau. Điều này cũng giúp cho anh tiết kiệm được một số tiền và vừa quản lý được nguồn gốc của hạt giống đảm bảo chất lượng. Chăm sóc cây dưa cũng hết sức cầu kỳ, hàng ngày phải thăm đồng chăm sóc từng cây dưa, khi thấy biểu hiện cây bất thường phải đưa ra phương pháp chữa trị kịp thời, vì đặc tính cây dưa nếp ta trồng ngoài trời rất hay bị côn trùng và bệnh hại phá. Giai đoạn đầu cần phải tưới nước tạo độ ẩm nhất định cho cây. Cung cấp dinh dưỡng cho cây bằng cách sử dụng phân bón , vào các giai đoạn khác nhau thì cần cung cấp lượng dinh dưỡng khác nhau cho cây. Nếu dinh dưỡng không đều sẽ làm cho chất lượng quả kém, màu sắc cũng như mẫu mã xấu đi.

Dưa leo cũng là một loại quả phổ biến hàng ngày được rất nhiều bà nội chợ sử dụng trong bữa ăn vì rất dễ chế biến và kết hợp với nhiều món ăn khác như salad dưa leo, nộm, dưa leo muối chua.v.v. Điều này cũng đảm bảo rằng sản phẩm dưa leo Tuấn Anh của Hợp tác xã phù hợp với nhiều nhu cầu và khẩu vị khác nhau của khách hàng. Không chỉ quan tâm về chất lượng của quả dưa leo mà khi đưa sản phẩm ra thị trường hợp tác xã còn quan tâm đến hình thức mẫu mã của bao bì. Sản phẩm có tốt nhưng khi đưa ra thị trường mà tem nhãn không bắt mắt thì khách hàng cũng không lựa chọn nhiều. Chính vì thế những sản phẩm khi ra thị trường đều được đóng gói cẩn thận, dán tem nhãn mác, hướng dẫn sử dụng, tem truy xuất được nguồn gốc và cách bảo quản sản phẩm ra sao để khi sử dụng đạt chất lượng tốt nhất. Ngoài ra hợp tác xã còn đẩy mạnh thông tin truyền thông, quảng bá giới thiệu sản phẩm đi khắp nơi, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội.

          Hiện nay hàng năm Hợp tác  xã của a Tuấn Anh cho ra thị trường khoảng 150 đến 200 tấn dưa chuột doanh thu hàng năm khoảng 2,5 đên 3 tỷ đồng. Ngoài tạo công ăn việc làm cho các thành viên trong hợp tác xã. Anh còn giúp đỡ 5-6 lao động tại địa phương với mức lương cơ bản từ 5,5 triệu đống đến 8 triệu đồng trên người trên tháng. Với mục tiêu dài hạn là mở rộng thêm diện tích trồng dưa, và sản xuất dưa leo theo quy trình cao hơn đó là hữu cơ. Hướng đến một sản phẩm Dưa leo Tuấn Anh sẽ là một sản phẩm hoàn hảo cho những người yêu thích sự tươi ngon và sạch sẽ trong mâm cơm gia đình.